Chuyên gia tư vấn truyền thông, SEO Tuấn Hà (Hà Tuấn Anh), CEO Vinalink sẽ chia sẻ với Infonet về cách thức tổ chức nội dung báo điện tử theo chuẩn của Google.
SEO không chỉ là kỹ thuật

Ngoài những cách làm nội dung mà các báo đã và đang làm thì không thể bỏ qua một điều rất quan trọng đó là “làm báo theo chuẩn Google”. Khái niệm SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm) đang ngày càng định hình rõ nét với những người làm báo điện tử. Xin anh cho biết, thế nào là làm SEO theo chuẩn Google?

Tuấn Hà, tên thật Hà Tuấn Anh, là một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực SEO, truyền thông. Hiện là Tổng giám đốc Vinalink, Chủ tịch Hội Chủ tịch Vietseo.vn , Ủy viên thường trực Họ Hà Việt nam. Giảng viên thỉnh giảng CFVG, Tuấn Hà đã tư vấn cho nhiều báo điện tử như VTCnews, Giaoduc.net.vn, Dothi.net hay Vietnamnet (từ những năm 2000)...

Nói về khái niệm SEO theo chuẩn Google rất rộng. Nó không chỉ đơn giản là tối ưu hóa trang web, tối ưu hóa lập trình mà nó còn cả một kế hoạch phía sau.

Trước đây, mô hình toà soạn thường qua 3 bước cơ bản là: Nhập tin bài – Biên tập – Xuất bản. Ngày nay, nhiều toà soạn đã bổ sung thêm 1 bước nữa trong quy trình này là chuẩn SEO. Theo đó, quy trình xuất bản sẽ đi từ: Phóng viên -> Biên tập viên -> Chuẩn SEO -> Tổng Biên tập (hoặc người được uỷ quyền xuất bản).
Phóng viên săn tin đi tìm thông tin do yêu cầu của việc cập nhật tức thời nên không cần phải qua bước SEO. Sự cạnh tranh của báo điện tử tính từng phút, thậm chí từng giây, vì vậy, khi có tin mới, cái quan trọng là phải cập nhật lên trang thật nhanh.Trong toà soạn cũng cũng cần phân định rõ 2 loại phóng viên. Một loại phóng viên chuyên săn tin, một phóng viên viết chuyên đề.

Còn phóng viên viết chuyên đề phải qua bước SEO. Bước SEO sẽ tìm những từ khóa hot, cách đặt vấn đề để đưa bài viết ra công chúng mà có lượng đọc nhiều nhất.

SEO không chỉ là kỹ thuật mà SEO còn liên quan mật thiết đến nội dung.

Liệu Google sẽ đánh giá như thế nào đối với tình trạng copy, tràn lan các nội dung giống nhau giữa các trang tin, báo điện tử?

Tin khá shock với báo chí là về sau Google sẽ kiểm soát nội dung thông tin, kiểm soát chất lượng nội dung của các báo, cũng như các trang tin và mạng xã hội thông qua một chỉ số mới đó là chỉ số Authors Rank (chỉ số tác giả).

Có 3 nguồn lưu lượng truy cập chính của báo điện tử nói riêng và các website nói chung là: Trực tiếp (gõ trực tiếp tên miền); Chuyển tiếp (từ các site trung gian); Công cụ tìm kiếm (chủ yếu là Google) và nguồn khác. Theo anh Tuấn Hà, tỷ lệ lý tưởng cho các nguồn này là: 30% + 30% – 30% – 10%.

Trong thời gian ngắn nữa, các báo điện tử phải thay đổi cách làm báo như hiện nay. Đó là quyền tác giả (Authors Rank) sẽ gắn chặt với chỉ số Authors Rank. Nó thể hiện “sức mạnh” của người viết. Người viết đó là ai, tên tuổi, bút danh. Ví dụ: Bài đạo diễn Lê Hoàng, hay bài của Nhà báo - Nhà văn Trang Hạ sẽ có chỉ số Authors Rank cao hơn bài viết của một sinh viên mới ra trường.

Như vậy, khi tìm kiếm bài viết của người có chỉ số đó cao hơn sẽ được hiển thị lên đầu. Google sẽ quan tâm đến bài viết đó tác giả là ai? Uy tín như thế nào? Bây giờ tất cả báo chí Việt Nam, ai viết không quan tâm nên có sự lộn xộn, chưa xuất hiện Authors Rank ở dưới cuối bài. Dẫn đến tình trạng copy đi copy lại của nhau, người viết bài, báo phát hiện vấn đề lại không được hiển thị vị trí tốt nhất.

Trước đây, có khái niệm “Content is king” (nội dung là vua). Bây giờ tình trạng “ông nọ ăn cắp nội dung của ông kia quá nhiều”. Với giải pháp này, tình trạng đó sẽ không còn xảy ra.
Authors Rank sẽ phải gắn kết Google+ (mạng xã hội của Google) và hoạt động của tác giả trên internet.
Anh có thể lý giải dễ hiểu hơn được không?

Lý giải đơn giản thế này, một bài viết ra ít người đánh giá, ít người Like (Thích) thì có thể bài đó không đủ hấp dẫn. Ngược lại những bài có nhiều người quan tâm sẽ là những bài có giá trị và bản thân phóng viên cũng sẽ phải thu hút sự chú ý của người đọc để mọi người quan tâm đến bài viết của mình.

Chẳng hạn như Nhà báo Trang Hạ hoặc blogger Nguyễn Ngọc Long Black moon khi viết ra vấn đề gì thu hút rất nhiều người thích (Like), bình luận (Comment), chia sẻ (share). Chỉ số Authors Rank ngoài được đo ở Google+ ra còn có thể đo ở các mạng xã hội khác như Facebook hoặc Twiter...

Chỉ số này sẽ được cộng ở các bài viết ở nhiều nơi khác nhau. Với cách đánh giá chỉ số uy tín của tác giả sẽ khiến cho Google “nhàn hạ” hơn trong việc đánh giá, sắp xếp bài nào lên trước. Vì người có chỉ số tác giả tốt họ sẽ không dại gì mà đưa ra những sản phẩm nội dung quá dở để mất uy tín mà phải bảo vệ uy tín của chính mình.

Cạnh tranh giữa báo mạng và trang tin điện tử

Như vậy, Google có sự dịch chuyển từ đánh giá uy tín website sang đánh giá uy tín của tác giả?

Đúng vậy. Sau này có sự thay đổi, đánh giá uy tín của tác giả chứ không đơn thuần đánh giá uy tín của site.

Tất nhiên việc đánh giá site vẫn còn nhưng từng bài viết một sẽ đánh giá theo tác giả. Ví dụ một tác giả có chỉ số tác giả (Authors Rank) cao có thể đăng bài ở một tờ báo lớn, sau đó đăng bài về vấn đề đó ở trang báo khác kém nổi tiếng hơn, nhưng tác giả đó có chỉ số Authors Rank tốt nên vẫn được Google ưu tiên đưa lên đầu. Tương tự như vậy, các trang chuyên copy lại nội dung, chỉ số sẽ thấp xuống hơn vì không có xuất xứ tác giả gốc.

Đúng thế. Nhưng không phải bắt buộc ông phóng viên ấy phải tham gia mạng xã hội. Bởi, có thể tòa soạn sẽ tạo cho phóng viên ấy chỉ số Authors Rank cao thông qua việc tạo điều kiện cho độc giả tương tác với tác giả đó. Khi độc giả nhấn nút Like (thích) bài viết là đồng nghĩa với việc chỉ số tác giả đó sẽ tăng lên.
Như vậy, theo chỉ số này thì phóng viên không thể chỉ viết bài mà phải hoạt động tích cực trên mạng xã hội như Facebook, Google+, Twiter?

Tuy nhiên, không phải điều này sẽ được thực hiện ngày một ngày hai được mà nó có quá trình và phủ khắp thế giới. Ở Việt Nam thường chậm hơn. Hiện tại ở Việt Nam chưa ai biết, quan tâm đến thông tin này.

Ý anh nói, ở nước ngoài đã thực hiện điều này rồi?

Nước ngoài đã có rồi. Tôi có thể lấy ví dụ cho các bạn luôn và demo cho các bạn xem (vừa nói vừa thao tác máy tính).

Ví dụ tôi tìm từ khóa dịch vụ SEO, tôi là tác giả một bài viết có 5900 vòng kết nối. Và một tác giả khác có chỉ số Authors Rank thấp hơn sẽ hiển thị thấp hơn tôi.

Sau này, người nào viết, cần định danh rõ tác giả. Như vậy, Google sẽ chuyển hóa chỉ số đánh giá sang cá nhân. Báo chí tạm thời Google “châm chước” một chút. Về lâu dài, xu thế ấy sẽ lan ra báo chí. Có thể, báo chí được Google tin cậy hơn, vì nhiều thông tin chuẩn hơn.

Dù không phải là cơ quan báo chí nhưng sự phát triển vượt trội của các trang tin điện tử như Zing, 24h... vượt qua nhiều trang báo mạng về lượt truy cập. Số lượng trang như vậy càng ngày càng nhiều. Google gần như không phân biệt đâu là báo chí, đâu là trang tin điện tử mà sẽ dựa trên cơ sở uy tín của site (page rank) và chỉ số tác giả (Author Rank). Cùng một tác giả nổi tiếng thì dù viết bài ở đâu cũng được đánh giá cao, kết quả hiển thị sẽ được ưu tiên.

Tất nhiên, xu thế còn vài năm nữa, nhưng nước ngoài họ đã thực hiện rồi. Google sẽ thành công nếu bắt cả thế giới “chơi” theo. Thực tế, Google hiện đang đứng đầu về tìm kiếm, họ sẽ bắt cả thế giới “chơi theo kiểu của họ”.

Xây dựng “thương hiệu cá nhân” của người viết

Phải chăng, chính phóng viên phải xây dựng thương hiệu cho mình thì mới phát triển được nghề theo chuẩn Google?

Đúng như vậy. Phóng viên ngay từ khi học nghề đã phải quan tâm xây dựng thương hiệu cá nhân của mình trên cộng đồng mạng. Và khi ra trường nếu có chỉ số Authors Rank (chỉ số tác giả) tốt, tòa soạn sẽ ưu tiên tuyển dụng những người như vậy. Chỉ số này cho biết phóng viên đã có kinh nghiệm, đã “lâm trận” và có thành tích. Chỉ số này khiến cho không chỉ tòa soạn phải phấn đấu mà ngay cả phóng viên, tác giả phải phấn đấu và phải chiến đấu giành giật độc giả.

Sau này phóng viên sẽ thấy nhàn hơn vì họ có nhiều cách để tăng chỉ số của mình như viết blog và các hoạt động khác...

Chỉ số này sẽ đem lại sự công bằng hơn cho những trang báo có nội dung thật, có những tác giả viết bài thật hơn là những trang chỉ “copy” lại?

Bây giờ có tình trạng thế này, một bài đăng trên Infonet và trang mạng khác copy lại ngay sau đó. Với công nghệ lấy thông tin về chỉ trong vòng 1s, Infonet vừa đăng bài, trang mạng đó đã lấy về làm của mình thì theo thuật toán của Google coi như bài viết cùng nội dung, xuất bản cùng thời điểm vậy sẽ phải chọn trang nào có “chỉ số đánh giá” (tính theo thuật toán google) sẽ được ưu tiên hiển thị lên trước. Thường khi tìm kiếm google thì trang copy sẽ hiển thị lên đầu vì chỉ số trang mạng (page rank) đó cao hơn. Như vậy là không công bằng.

Nhưng khi có chỉ số tác giả (Authors Rank.) sẽ giải quyết được chuyện này. Tác giả nằm ở đâu sẽ phải ưu tiên chọn hiển thị. Bên tin gốc bắt buộc phải có đường link về tác giả.

Vậy tòa soạn sẽ phải làm gì trước chuẩn mới của Google này?

Tòa soạn phải chú ý tạo chỉ số tác giả (Authors Rank) cho những bài viết, những phóng viên của mình. Những bài viết hay phải tạo ra những đường link, những tương tác để độc giả Like, Share những bài viết này.

Những phóng viên chưa có chỉ số tác giả vẫn có sân chơi là tin tức mới (news). Cái đó không cần SEO, bản thân sự kiện, tin tức nóng mà phóng viên mang về không cần phải SEO cũng hiển thị lên đầu.

Còn những phóng viên có uy tín, có chỉ số tác giả cao thì phân công làm chuyên đề.

Xin cảm ơn anh!

Hồng Chuyên (thực hiện)