Giá trị mua hàng trực tuyến dự kiến đạt 350 USD mỗi người một năm, thúc đẩy doanh số thương mại điện tử tăng cao.

Trong 4 năm tới, doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng) có thể lên tới 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Đây là những mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Kế hoạch cũng chỉ ra, tới năm 2020, 50% doanh nghiệp sẽ có trang thông tin điện tử, 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Ngoài ra, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép khách hàng không cần trả bằng tiền mặt. 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ cá nhân qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt...

30-dan-so-viet-nam-tham-gia-thuong-mai-dien-tu-nam-2020

Kế hoạch tổng thể đưa ra các mục tiêu cần đạt được vào năm 2020 theo 4 nhóm chỉ tiêu gồm hạ tầng cho thương mại điện tử, quy mô thị trường thương mại điện tử, mức độ ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp và mức ứng dụng thương mại điện tử trong cơ quan Nhà nước.

Giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử, rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, theo kịp bước tiến công nghệ trong lĩnh vực này.

Theo đó cần nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, tập trung vào xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các địa phương đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động thống kê về kinh doanh trực tuyến và hoạt động hỗ trợ. Phát triển cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong vào thủ tục hành chính công.

Đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho thương mại điện tử, bao gồm hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics, hạ tầng chứng thực và giao dịch đảm bảo cho thương mại điện tử. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo chính quy về thương mại điện tử, nâng cao nhận thức cộng đồng qua các phương tiện truyền thông.

Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển ứng dụng trên nền tảng di động và phát triển nội dung số cho thương mại điện tử... Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Xây dựng đề án và hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử trong một số ngành sản xuất và dịch vụ chính, từ đó nhân rộng các mô hình ứng dụng thương mại điện tử thành công sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thương mại điện tử, nghiên cứu, đề xuất phương án gia nhập các điều ước quốc tế, các thể chế hợp tác đa phương về thương mại điện tử.

Minh Trí

Báo vnexpress.net