Theo quy hoạch mới này, Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố đặc biệt vào năm 2050, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, giữ vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là thành phố trung tâm cấp quốc gia hướng tới đô thị quốc tế (tài chính, dịch vụ, du lịch, công nghệ…).

Đà nẵng không ngủ

  1. Đêm là để được ngủ, để được nghỉ ngơi trong sự tĩnh lặng của đêm trường. Đêm Đà Nẵng phải đáp ứng trước hết nhu cầu rất nhân bản ấy của đông đảo người dân đô thị và của cả du khách thập phương. Người dân đô thị và du khách thập phương, nhất là những người cao tuổi hay những bệnh nhân vốn khó ngủ và những người suốt ngày đầu tắt mặt tối để mưu sinh kiếm sống, rất cần sự tĩnh lặng của đêm trường để nghỉ ngơi và để chìm vào giấc ngủ. Họ rất cần một giấc ngủ bình yên, không phải lo sợ những bất trắc có thể xảy ra trong khi ngủ, như trộm cướp, cháy nổ…

Nhưng người dân đô thị và du khách thập phương, nhất là giới trẻ, còn có nhu cầu được thức, được khám phá vẻ đẹp của đêm Đà Nẵng, và nếu đêm Đà Nẵng không đáp ứng được nhu cầu này thì Đà Nẵng chưa thể xứng danh là thành phố, bởi nếu chỉ đáp ứng nhu cầu được ngủ, được nghỉ ngơi trong sự tĩnh lặng của đêm trường thì chắc là một địa bàn đô thị như Đà Nẵng không thể sánh bằng các địa bàn nông thôn - mặc dầu lâu nay đêm Đà Nẵng vẫn được tiếng là bình yên và an toàn nhất nước.

  1. Vẻ đẹp của một đô thị - nhất là sự sạch sẽ ngăn nắp - được cảm nhận rõ nhất là vào ban ngày, giữa thanh thiên bạch nhật. Chỉ vào ban ngày mới có thể ngắm nhìn và thưởng ngoạn đầy đủ vẻ đẹp của một Đà Nẵng núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi. Nhưng vẻ đẹp của một đô thị lung linh nhất và do vậy mà hấp dẫn nhất là vào ban đêm, khi thành phố đã lên đèn. Lâu nay rất nhiều du khách thập phương và cả người dân Đà Nẵng náo nức chờ đến đêm khuya để được tận mục sở thị cầu Sông Hàn quay, nếu cầu Sông Hàn quay vào ban ngày thì không những ảnh hưởng đến giao thông mà sẽ còn giảm đi rất nhiều sức hấp dẫn. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng” do Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức hồi tháng 7 năm ngoái, Tập đoàn Philips đã đưa ra “Giải pháp xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị ánh sáng” nhằm tạo thêm cho thành phố bên sông Hàn những không gian công cộng được chiếu sáng về đêm, biến Đà Nẵng trở thành một “Kinh đô ánh sáng” có sức hấp dẫn người dân đô thị và du khách thập phương.
  2. Những không gian công cộng được chiếu sáng về đêm - những “điểm đến ánh sáng” - trước hết phải phát huy vẻ đẹp đầy hấp dẫn của bản thân ánh sáng. Giống như bước chân trong khiêu vũ không chỉ và chủ yếu cũng không phải để di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà là để thể hiện một ý tưởng nghệ thuật bằng ngôn ngữ của đôi chân, ở đây ánh sáng không chỉ và chủ yếu cũng không phải để đẩy lùi “đêm trường dạ tối tăm trời đất” (thơ Nguyễn Du) mà là để trở thành một thứ ánh sáng mỹ thuật bắt mắt và mãn nhãn. Tất nhiên ý tưởng của Tập đoàn Philips muốn biến Đà Nẵng trở thành một “kinh đô ánh sáng” chỉ mới là đề bài chứ chưa phải là đáp số. Mặc dầu thiết kế chiếu sáng mỹ thuật cho Cầu Rồng vừa được hai giải thưởng quốc tế danh giá là FX Design Awards 2013 và Lighting Design Awards 2014, được bầu chọn vào danh sách các công trình thiết kế chiếu sáng xuất sắc thế giới, nhưng Đà Nẵng vẫn thiếu những chuyên gia về kỹ thuật và quan trọng hơn là về mỹ thuật chiếu sáng đủ khả năng sáng tạo các màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục trong đêm Đà Nẵng.
  3. Vẻ đẹp đêm Đà Nẵng gắn liền nhưng không đồng nhất với những “điểm đến ánh sáng” vốn có và sắp có ấy, nói cách khác người dân đô thị và du khách thập phương còn có thể khám phá vẻ đẹp đêm Đà Nẵng từ một số hoạt động thường nhật diễn ra vào buổi tối. Rõ ràng người dân đô thị và du khách thập phương không chỉ muốn thưởng ngoạn mỹ thuật chiếu sáng từ các cây cầu hay các cao ốc… mà còn muốn đi ăn đêm hoặc đi chợ đêm. Chính vì thế để đêm Đà Nẵng phát huy hết sức thu hút của mình, người Đà Nẵng cần phải tổ chức thật tốt dịch vụ kinh doanh các đặc sản ẩm thực(*), thậm chí cần hình thành cho được những món-ăn-ngon-chỉ-bán-buổi-tối và những phố-ẩm-thực-chỉ-mở-cửa-ban-đêm nhằm kích thích khẩu vị và tạo thói quen ăn đêm đối với những thực khách sành ăn. Ngoài ra cũng cần có một số khu thương mại tập trung phục vụ nhu cầu mua sắm vào ban đêm của những người nghiện shopping - ở đấy ánh đèn sáng rực trong các tủ kính và trên các lối đi sẽ góp phần kích thích sức mua của người tiêu dùng một cách rất là đáng kể.
  4. Còn phải làm nhiều việc để đêm Đà Nẵng phát huy hết sức thu hút của mình và để Đà Nẵng có thể vươn lên trở thành một Thành phố không ngủ. Đương nhiên nói Đà Nẵng - Thành phố không ngủ ở đây không có nghĩa là cả Đà Nẵng đều thức, giống như nói Hà Nội - Thành phố không ngủ cũng chỉ có nghĩa là nói đến một khu chợ không bao giờ ngủ yên khi về đêm: chợ hoa Quảng Bá - chợ cung cấp hoa tươi lâu đời nhất cho thủ đô và các vùng phụ cận. Cái khó của các nhà quản lý đô thị là làm sao để những người cần thức, cần khám phá vẻ đẹp đô thị vào ban đêm có được một không gian sôi động; đồng thời làm sao để những người cần ngủ, cần nghỉ ngơi thậm chí những người cần nghĩ ngợi vào buổi tối có được một không gian tĩnh lặng, không để họ bị ô nhiễm tiếng ồn. Vẻ đẹp đô thị vào ban đêm phần lớn phụ thuộc vào ánh sáng đèn, nhất là ở các “điểm đến ánh sáng” nhưng các nhà quản lý đô thị cũng cần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm ánh sáng trước hết từ các bảng hiệu quảng cáo chói lóa hay từ việc sử dụng các loại đèn công suất lớn chiếu lên trời gây chú ý…
  5. Chắc còn rất lâu Đà Nẵng mới có thể được công nhận là “Thành phố không ngủ” hoặc là “Kinh đô ánh sáng”, nhưng đô thị ven biển này hoàn toàn có thể phát huy đến mức cao nhất vẻ đẹp đêm Đà Nẵng. Ngủ hay thức, trong không gian tĩnh lặng hay giữa không gian sôi động thì người dân đô thị và du khách thập phương đều cầu được bình yên, đều mong được an toàn. Cả thành phố được bình yên và an toàn phải được xem là biểu hiện ngời sáng nhất của vẻ đẹp Đà Nẵng vào ban đêm. Mặt khác người Đà Nẵng có thể tổ chức những “bữa tiệc ánh sáng” qua các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế hằng năm hoặc hai năm một lần; nhưng đồng thời người Đà Nẵng cũng có thể hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất thường niên do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên khởi xướng bằng cách tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt - trước hết là tại các “điểm đến ánh sáng” và các hộ gia đình - trong một giờ đồng hồ vào lúc 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hằng năm, xem đấy cũng là biểu hiện tuyệt vời của vẻ đẹp đêm Đà Nẵng…

 

Theo Baodanang.vn